Cảng hàng không Rạch Giá

1. Vị trí

Cảng hàng không Rạch Giá (tên giao dịch quốc tế: Rach Gia Airport; code ICAO: VVRG; code IATA: VKG) thuộc địa phận huyện Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang, ở cách trung tâm thị xã Rạch Giá 7km về phía Nam, cách thị trấn Rạch Sỏi 1km về phía đông; phía đông và phía Tây nam Cảng hàng không là ruộng lúa ao hồ, phía Bắc giáp quốc lộ 80.

Cảng hàng không Rạch Giá nằm trên tọa độ quy chiếu 09057’15” vĩ Bắc và 105008’09” kinh Đông.

Khoảng cách từ Cảng hàng không Rạch Giá đi các Cảng hàng không khác: đi Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là 192km, đi Phú Quốc là 130km, đi Cần Thơ là 164km và đi Cà Mau là 86 km.h.

2. Quá trình hình thành

Cảng hàng không Rạch Giá là Cảng hàng không ở ven biển phía Tây Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang. Cảng hàng không Rạch Giá được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 50 khi trở lại chiếm đóng Nam Bộ. Chức năng chính của Cảng hàng không lúc ấy là đảm bảo liên lạc hành chính giữa Sài Gòn và miền Tây Nam bộ.

Đầu năm 1960, Mỹ tiếp tục hoàn chỉnh xây dựng Cảng hàng không Rạch Giá thành một trong những căn cứ của Hàng không dân dụng ngụy quyền, sử dụng chính cho mục đích quân sự với tổng diện tích là 489.200m2, đường hạ cất cánh dài 1170m x 30m, đường lăn vuông góc với đường hạ cất cánh dài 85m x 15m, sân đậu rộng 5.500m2, nhà ga có diện tích 60m2.

Thời gian đầu sau giải phóng, Cảng hàng không phục vụ chủ yếu cho nông nghiệp, vận chuyển cho các nông trường Mỹ Lâm, Bình Sơn 1, 2, 3 với các loại máy bay DC3, AN2, LI 14. Năm 1979, diện tích Cảng hàng không được mở rộng thành 32.875m2.

Trong những năm gần đây, Cảng hàng không Rạch Giá luôn ổn định lượng khách nội địa và quốc tế với khoảng 100 khách mỗi ngày. Cảng hàng không này thường xuyên tiếp đón các chuyên cơ, các chuyến bay cấp cứu y tế, các chuyến bay thuê bao...

3. Cơ sở hạ tầng

Từ 1962 đến 1975, chế độ Mỹ nguỵ đã xây dựng và cải tạo Cảng hàng không Rạch Giá có đường hạ cất cánh có kích thước 1170m x 30m, 1 đường lăn vuông góc với đường hạ cất cánh dài 85m x rộng 15m, sân đậu máy bay có diện tích 5.500m2; Nhà ga hành khách có diện tích 60m2.

Năm 1987, Tổng cục hàng không và Ủy ban Nhân dân Tỉnh Kiên Giang đầu tư kéo dài đường hạ cất cánh đạt kích thước 1500m x 30m kéo dài về phía Đông đầu 26.

Từ tháng 10/1996 đến tháng 1/1998, Cảng hàng không Rạch Giá ngưng hoạt động bay để cải tạo nâng đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đậu máy bay để khai thác các loại máy bay ATR 72, Fokker 70 và tương đương.

Nhằm phục vụ nhu cầu phát triển lâu dài của Cảng hàng không Rạch Giá, ngày 11/11/2005, Cụm cảng Hàng không Miền Nam đã tiến hành khởi công gói thầu “Xây lắp nhà ga và các công trình phụ trợ” thuộc dự án “Xây dựng nhà ga và Cải tạo sân đỗ máy bay cảng hàng không Rạch Giá”. Đây là dự án do Cụm cảng Hàng không miền Nam làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục và quy định hiện hành của Nhà nước.

Việc xây dựng nhà ga hành khách là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác hiện nay và đến năm 2015. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng mới nhà ga hành khách đồng thời cải tạo, nâng cấp, mở rộng sân đỗ ô tô, sân đỗ máy bay để đảm bảo hoạt động đồng bộ cho cảng hàng không Rạch Giá.

Nhà ga hành khách cảng hàng không Rạch Giá được xây mới với khả năng phục vụ 150 hành khách/giờ cao điểm tương đương 145.000 lượt hành khách thông qua/năm. Tổng diện tích nhà ga là 2.895m2 sử dụng 01 cao trình bao gồm 02 tầng (một trệt, một lửng), diện tích đất là 60m x 31.6m. Công trình thuộc cấp II, nhóm B. Thời gian thi công công trình là 13 tháng và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2006.

Việc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ga hành khách và cải tạo sân đỗ máy bay cảng Hàng không Rạch Giá không chỉ đáp ứng nhu cầu hành khách trong tương lai mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, mở mang dịch vụ thương mại, du lịch tại tỉnh Kiên Giang và khu vực phía Nam.

Cảng hàng không Rạch Giá hiện có một đường hạ cất cánh dài 1.500 mét, rộng 30 mét; Một đường lăn dài 85 mét, rộng 15 mét; Sân đậu máy bay có diện tích 5.500m2 với 5 vị trí đậu cho máy bay; Sân đậu ôtô có diện tích 2.356m2. Nhà ga hành khách có diện tích 426m2. Trang thiết bị phục vụ mặt đất có xe Nạp điện tàu bay, xe chở khách, xe chở hàng, xe cứu thương, xe cứu hỏa.

4. Năng lực phục vụ

Cảng hàng không Rạch Giá đảm bảo phục vụ an toàn các loại tàu bay ATR-72 và tương đương.

Từ năm 1975-1989, hoạt động bay tại cảng hàng không Rạch Giá rất ít, chủ yếu sử dụng loại máy bay AN 24.

Từ năm 1989-1994, cảng hàng không Rạch Giá ngưng hoạt động bay dân dụng, chủ yếu phục vụ huấn luyện quân sự.

Trong giai đoạn từ 1994-2003, Cảng hàng không Rạch Giá đã phục vụ an toàn 2942 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 153.928 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 878 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện.

Năm 2004, Cảng hàng không Rạch Giá đã phục vụ an toàn 780 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 34.953 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 211 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện.

Năm 2005, Cảng hàng không Rạch Giá đã phục vụ an toàn 756 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 36.744 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 223 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện.

Bốn tháng đầu năm 2006, Cảng hàng không Rạch Giá đã phục vụ an toàn 250 lần chuyến cất hạ cánh – đạt 33.33% kế hoạch năm, phục vụ 12.611 lượt hành khách đi đến – đạt 32,67% kế hoạch năm và vận chuyển 77.794 kg hàng hóa, hành lý, bưu kiện – đạt 33,24% kế hoạch năm.

Hiện nay, tuyến Rạch Giá – Phú Quốc có 1 chuyến vào các ngày trong tuần.

5. Định hướng phát triển

 Theo Quyết định phê duyệt qui hoạch tổng thể Cảng hàng không Rạch Giá - Tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025 của Bộ Giao thông vận tải, Cảng Hàng không Rạch Giá đến năm 2015 sẽ là cảng hàng không cấp 3C (theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay như ATR-72, F 70 và tương đương; Kéo dài đường hạ cất cánh đạt kích thước 1900m x 30m; Mở rộng sân đỗ có diện tích 11.500m2 và xây mới nhà ga hành khách công suất 200 hành khách/giờ cao điểm. Lượng hành khách tiếp nhận là 200.000 lượt hành khách/năm.

Đến giai đoạn 2015-2025, Cảng Hàng không Côn Sơn sẽ là cảng hàng không cấp 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay như A320/A321 và tương đương; Xây dựng đường hạ cất cánh mới có kích thước 2400m x 45m; Tận dụng đường hạ cất cánh cũ làm đường lăn song song và xây mới 5 đường lăn nối kích thước 18m x 150m; Mở rộng sân đỗ lên 31.500m2 đáp ứng chỗ đỗ cho 1 máy bay A320/A321 và 4 máy bay ATR72; Mở rộng nhà ga hành khách đạt công suất 300 hành khách/giờ cao điểm; Lượng hành khách tiếp nhận là 300.000 lượt hành khách/năm.