Cảng hàng không Cà Mau

1. Vị trí - Tọa độ

Cảng hàng không Cà Mau (tên giao dịch quốc tế: Ca Mau Airport; code ICAO: VVCM; code IATA: CAH) nằm ở phía đông thành phố Cà Mau, cách trung tâm thành phố 3km và gần như song song với quốc lộ 1A. Phía Đông và phía Bắc Cảng hàng không là ruộng lúa, ao hồ, phía Nam giáp vùng dân cư của thành phố.

Từ Cảng hàng không Cà Mau đi Tân Sơn Nhất là 224km, đi Cảng hàng không Phú Quốc là 175km, đi Cảng hàng không Cần Thơ là 116km, đi Cảng hàng không Rạch Giá là 86km.

Cảng hàng không Cà Mau nằm ở 105°10’46” kinh độ Đông và 09°10’32” vĩ độ Bắc.

2. Quá trình hình thành

Phi trường Moranc (nay là Cảng hàng không Cà Mau) được thực dân Pháp xây dựng tại Thị trấn Quản Long, Tỉnh An Xuyên (nay là Thành phố Cà Mau) với đường hạ cất cánh dài 400 mét, rộng 16 mét.

Cảng vụ hàng không Cà Mau

Cảng vụ hàng không Cà Mau

Tháng 6/1962, Nha Hàng không của chế độ cũ đã thiết kế lại Cảng hàng không này với qui mô là Cảng hàng không hạng G. Theo đó, diện tích Cảng hàng không là 91,61 hecta, đường hạ cất cánh dài 1050 mét, rộng 30 mét. Sân đỗ có kích thước 60 x 120 mét và được đổi tên thành Phi trường Quản Long.

Cảng hàng không này chủ yếu phục vụ cho mục đích quân sự với các loại máy bay trực thăng, L19, OV10, Dakota, C130 và 1 số loại máy bay khác. Mùa khô năm 1972 đường hạ cất cánh và sân đỗ được thay bằng lớp bê tông nhựa.

Ngày 30/4/1975, Cảng hàng không Cà Mau được bộ đội ta tiếp quản. Từ năm 1976 đến giữ năm 1978, cảng hàng không này không có hoạt động bay dân dụng, chỉ có các chuyến bay quân sự, chuyến bay thuê chuyến hoặc phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngày 30/4/1995, Cảng hàng không đã phục vụ chuyến bay khai trương AN 2 VF808 hạ cánh an toàn xuống cảng hàng không Cà Mau. Do chiều dài của đường hạ cất cánh chỉ có 1050m, nên Cảng hàng không Cà Mau chỉ tiếp thu được những loại máy bay nhỏ như AN-2, King Air B200, AS 350, Super Puma 320L, Mi-17. Từ năm 1997 do khách đi máy bay ít nên các chuyến bay thường lịch đã tạm ngừng chỉ còn các chuyến bay thuê chuyến.

3. Cơ sở hạ tầng cảng hàng không

Do thời gian xây dựng đã quá lâu (trên 30 năm), lại được xây dựng trên vùng đất yếu có điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi cho nền móng công trình, mặt khác từ năm 1975 đến năm 1995 hầu như không khai thác, do đó cơ sở hạ tầng tại Cảng Hàng không Cà Mau đã bị hư hỏng nhiều, đặc biệt là hệ thống đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đậu đã bị lão hóa, bề mặt nứt nẻ, không đảm bảo cho việc đưa vào khai thác với tần suất lớn. Đến năm 1995 Cụm cảng Hàng không miền Nam tiến hành nâng cấp, xây dựng mới nhà ga và khu nhà văn phòng Cảng Hàng không Cà Mau.

Ngày 30/4/1996, nhà ga Cảng Hàng không Cà Mau được khánh thành. Tháng 7/1996, Cảng Hàng không Cà Mau được lắp đặt đài dẫn đường NDB 500II và máy phát điện dự phòng.

Ngày 13/12/2003, Cụm cảng hàng không miền Nam khởi công dự án xây dựng nhà ga cảng Hàng không Cà Mau, với diện tích xây dựng 1548m2, trong đó diện tích sàn tầng trệt : 1548m2, diện tích sàn tầng lửng : 878m2.

Năm 1999, đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đậu tiếp tục được nâng cấp và kéo dài với quy mô đường hạ cất cánh đạt chiều dài 1500m, rộng 30m, bề mặt phủ bê tông nhựa đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR72 và các máy bay tương đương.

4. Năng lực phục vụ

Cảng Hàng không Cà Mau là sân bay Hàng không dân dụng cấp 3C có khả năng tiếp nhận các loại máy bay như ATR-72, AN-2, MIA-17, KINGAIR B200 và các loại máy bay khác có trọng tải cất cánh tương đương.

Năm 2004, Cảng hàng không Cà Mau đã phục vụ an toàn 398 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 8.975 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 41.583 kg hàng hóa, hành lý, bưu kiện.

Năm 2005, Cảng hàng không Cà Mau đã phục vụ an toàn 791 lần chuyến cất hạ cánh – tăng 98,7% so với năm trước, phục vụ 24.324 lượt hành khách đi đến – tăng 171% so với năm trước và vận chuyển 125.341 kg hàng hóa, hành lý, bưu kiện – tăng 201,42% so với năm trước.

Bốn tháng đầu năm 2006, Cảng hàng không Cà Mau đã phục vụ an toàn 160 lần chuyến cất hạ cánh – đạt 29.62% kế hoạch năm, phục vụ 8.459 lượt hành khách đi đến – đạt 33,17% kế hoạch năm và vận chuyển 48.942 kg hàng hóa, hành lý, bưu kiện – đạt 37,36% kế hoạch năm.

Cùng với sự phát triển của đất nước, Cụm cảng Hàng không miền Nam đã không ngừng cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau, tăng khả năng khai thác và phục vụ tốt việc đi lại tại Cảng Hàng không, đảm bảo an toàn giao thông hàng không, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai, góp phần vào sự lớn mạnh của Hàng không Việt Nam.

Hiện nay, tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau và ngược lại có 4 chuyến/tuần vào các ngày Thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ Nhật bằng máy bay ATR 72.

5. Định hướng phát triển

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không Cà Mau – giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025 của Bộ giao thông vận tải, Cảng Hàng không Cà Mau đến năm 2015 sẽ là cảng hàng không cấp 3C (theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II, trong đó đường hạ cất cánh hiện tại sẽ được kéo dài đạt kích thước 1900m x 30m, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay như ATR-72, F 70 và tương đương với số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm là 2; Lượng hành khách tiếp nhận là 200.000 lượt hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm : 150 hành khách/giờ cao điểm.

Đến giai đoạn 2015-2025, Cảng Hàng không Cà Mau sẽ là cảng hàng không cấp 4C, xây dựng đường hạ cất cánh mới 2400m x 45m, đảm bảo khai thác máy bay A 320/321 và tương đương với số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm là 4; Lượng hành khách tiếp nhận là 300.000 lượt hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm : 300 hành khách/giờ cao điểm.